Những sự thật thú vị về Olympic Paris 2024

Những sự thật thú vị về Olympic Paris 2024

Kỳ Thế vận hội tròn 100 năm của nước Pháp

Diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8, Olympic Paris 2024 là kỳ Thế vận hội mùa hè lần thứ 33, quy tụ 329 nội dung thi đấu tranh huy chương trải rộng trên 32 môn thể thao. Đặc biệt, đây là kỳ Olympic đầu tiên được tổ chức sau đại dịch, mang trong mình hy vọng và sự phấn khởi của cả thế giới.

Olympic trở lại với nước Pháp sau đúng 100 năm
Olympic trở lại với nước Pháp sau đúng 100 năm

Paris, sau một thế kỷ chờ đợi sẽ lại trở thành tâm điểm của toàn cầu khi đăng cai kỳ Thế vận hội này. Đây là lần thứ ba trong lịch sử mà thủ đô của Pháp tổ chức Olympic, sánh ngang với thành tích của London với ba lần tổ chức vào các năm 1908, 1948 và 2012.

Lễ khai mạc Olympic độc đáo nhất lịch sử

Bức tranh hoành tráng và đầy tham vọng của Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 đã hiện ra vào ngày 26/7, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử khi lần đầu tiên sự kiện diễn ra ngoài sân vận động, ngay trên dòng sông Seine. Ý tưởng sáng tạo này biến Paris thành một sân khấu khổng lồ, nơi các đoàn vận động viên diễu hành trên những chiếc thuyền, lướt qua các biểu tượng nổi tiếng của thành phố.

Buổi lễ khai mạc diễn ra ngay dưới chân tháp Eiffel
Buổi lễ khai mạc hứa hẹn diễn ra vô cùng hoành tráng

Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay về số lượng khán giả và phạm vi địa lý, cuộc diễu hành trên sông hứa hẹn sẽ là một điểm nhấn khó quên của Olympic Paris 2024. Khoảng 100 chiếc thuyền sẽ chở 10.500 vận động viên, tạo nên một bức tranh sống động giữa lòng Paris.

Các đoàn thể thao sẽ xuất phát từ Cầu Austerlitz, tiến về phía Tây dọc theo sông Seine, đi qua những cây cầu lịch sử và các địa danh nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Louvre, Điện Invalides và Bảo tàng Grand Palais, cuối cùng kết thúc tại Quảng trường Trocadero, đối diện với Tháp Eiffel. Tại đây, các nghi thức chính sẽ diễn ra, bao gồm việc thắp sáng ngọn lửa Olympic và công bố khai mạc đại hội.

Trước đó sẽ là màn diễu hành của tất cả các liên đoàn thể thao trên song Seine
Trước đó sẽ là màn diễu hành của tất cả các liên đoàn thể thao trên song Seine

Hệ thống camera lắp đặt trên boong tàu sẽ mang đến cho khán giả những góc nhìn cận cảnh, giúp họ cảm nhận được cảm xúc của các vận động viên qua 80 màn hình khổng lồ bố trí khắp thành phố. Chương trình khai mạc sẽ bắt đầu vào lúc 19h30 (giờ địa phương, tức 0h30 ngày 27/7 giờ Việt Nam), kéo dài trong 3 giờ với sự tham gia của 400 vũ công, 3.000 nghệ sĩ, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly.

Ông Jolly chia sẻ rằng, việc tổ chức lễ khai mạc ngoài sân vận động mang lại cho ông và đội ngũ của mình cơ hội sáng tạo vô hạn, không bị ràng buộc bởi bất kỳ khuôn mẫu nào. Dự kiến, sẽ có khoảng 1,5 tỷ người trên toàn thế giới theo dõi sự kiện này, biến Olympic Paris 2024 thành một trong những kỳ Thế vận hội đáng nhớ nhất trong lịch sử.

Địa điểm thi đấu mang tính biểu tượng

Thay vì đầu tư vào việc xây dựng các cơ sở hoàn toàn mới, Pháp sẽ tận dụng các địa điểm mang tính biểu tượng của Paris để tổ chức các môn thi đấu Olympic. Nếu yêu thích khung cảnh tháp Eiffel, khán giả có thể thưởng thức các trận đấu bóng chuyền bãi biển diễn ra ngay dưới chân tháp.

Xem bóng chuyền bãi biển ngay dưới chân tháp Eiffel
Xem bóng chuyền bãi biển ngay dưới chân tháp Eiffel

Các vận động viên marathon sẽ khởi đầu từ Tòa thị chính Paris Hôtel de Ville, băng qua Quảng trường Concorde và dọc theo bờ sông Seine lãng mạn. Người hâm mộ cũng có thể đến Cung điện Versailles để cổ vũ cho môn đua ngựa. Môn đấu kiếm sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Grand Palais, trong khi Điện Invalides sẽ là sân chơi cho các tay bắn cung, bao gồm các vận động viên Việt Nam như Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong.

Sông Seine, không chỉ là nơi diễn ra lễ khai mạc Olympic Paris mà còn là địa điểm của các nội dung bơi marathon và bơi trong ba môn phối hợp. Chính phủ Pháp đã đầu tư 1,5 tỷ đô la vào việc cải tạo sông, biến nó thành một nơi có thể bơi lội an toàn. Để chứng minh chất lượng nước, Thị trưởng Paris đã tự mình bơi ở sông Seine vào giữa tháng 7.

Áp phích cổ động siêu thực

Lần đầu tiên trong lịch sử, áp phích cổ động cho Olympic và Paralympic đã được kết hợp thành một tác phẩm nghệ thuật thống nhất, do nghệ sĩ thị giác Ugo Gattoni thiết kế. Với chủ đề “Games Wide Open”, thiết kế này không chỉ nắm bắt mọi chi tiết lộng lẫy của Paris mà còn mang đến một phong cách vừa huyền ảo vừa siêu thực. Tác phẩm này minh họa hoàn hảo cho tinh thần phức tạp và sôi động của thế vận hội.

Tấm áp phích ấn tượng dưới bàn tay của họa sĩ Ugo Gattoni
Tấm áp phích ấn tượng dưới bàn tay của họa sĩ Ugo Gattoni

Linh vật của Olympic Paris là một…chiếc mũ

Trong khi thế giới thể thao thường gắn liền với hình ảnh linh vật là các con thú biểu tượng quốc gia như gấu trúc, hổ hay chim, thì tại kinh đô thời trang Paris, linh vật chính thức cho Olympic 2024 lại là một chiếc mũ. Được gọi là Olympic Phryge, chiếc mũ truyền thống này gắn liền với hình ảnh của những người cách mạng Pháp, phát âm là “freege”, mang ý nghĩa “tự do” hoặc “giải phóng”.

Linh vật của Olympic Paris 2024 là một chiếc mũ
Linh vật của Olympic Paris 2024 là một chiếc mũ

Chiếc mũ Phryge không chỉ là một biểu tượng văn hóa mà còn là một phần của lịch sử Pháp, xuất hiện trên tiền xu và tem, tượng trưng cho sự tự do. Gắn bó với nhiều sự kiện quan trọng của quốc gia này, chiếc mũ nay đã được chọn làm linh vật cho kỳ Olympic sắp tới, hứa hẹn mang lại tinh thần tự do và sự đổi mới cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Huy chương được làm từ…Tháp Eiffel

Những huy chương tại kỳ Olympic lần này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn chứa đựng một phần lịch sử của tháp Eiffel. Các mảnh sắt và thép được tháo dỡ từ tháp trong quá trình cải tạo đã được tái chế để tạo nên những tấm huy chương độc đáo này.

Các huy chương tại Olympic Paris đều có chứa sắt từ tháp Eiffel
Các huy chương tại Olympic Paris đều có chứa sắt từ tháp Eiffel

Ban tổ chức đã hợp tác với thương hiệu thời trang danh tiếng Chaumet để chế tạo huy chương, pha trộn 18 gam sắt từ tháp Eiffel vào các vật liệu vàng, bạc và đồng. Những tấm huy chương này không chỉ là phần thưởng cho những vận động viên xuất sắc nhất mà còn là biểu tượng của sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ thuật và thể thao.

Khán giả có thể trải nghiệm đường đua marathon

Lần đầu tiên trong lịch sử, người hâm mộ sẽ có cơ hội trải nghiệm đường chạy marathon cùng ngày với các vận động viên chuyên nghiệp, với dự kiến khoảng 35.000 chân chạy nghiệp dư sẽ tham gia. Sự kiện này thực sự biến Thế vận hội Olympic thành một ngày hội thể thao dành cho mọi người.

Đường chạy marathon sẽ len lỏi khắp các quận của thành phố Paris
Đường chạy marathon sẽ len lỏi khắp các quận của thành phố Paris

Đường chạy marathon không chỉ là một hành trình thể thao mà còn là một chuyến tham quan lịch sử nước Pháp, khi nó đi qua 9 quận của Paris, nhiều tượng đài, công viên và các công trình biểu tượng của thành phố.

Không chỉ dừng lại ở đó, người hâm mộ còn có cơ hội gặp gỡ các vận động viên và thưởng thức các màn trình diễn nghệ thuật tại Champions Park, nằm ngay trước Tháp Eiffel. Sự kiện này mở cửa miễn phí và diễn ra trong 9 ngày, từ 29/7 đến 10/8. Đây là một ý tưởng độc đáo của Ban tổ chức Olympic, với mục đích kết nối ba yếu tố quan trọng của sự kiện: các vận động viên, người hâm mộ và những địa điểm mang tính biểu tượng nhất của Paris.

Địa điểm thi đấu cách xa nước tổ chức…15,000 km

Lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội, một môn thể thao sẽ được tổ chức ngoài lục địa của quốc gia chủ nhà. Môn lướt sóng kỳ này sẽ diễn ra tại làng Teahupo’o ở Tahiti, nằm cách đất liền Pháp 15 nghìn km và trải qua 12 múi giờ. Đây là sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong việc tổ chức Olympic, mang đến trải nghiệm mới mẻ và thú vị cho các vận động viên cũng như khán giả toàn cầu.

Những thông tin thú vị về Olympic Paris 2024

Olympic Paris 2024 đánh dấu tròn 100 năm kể từ lần cuối cùng Paris đăng cai Thế vận hội mùa hè vào năm 1924.

Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Olympic mà lễ khai mạc không diễn ra tại sân vận động, mà sẽ được tổ chức trên dòng sông Seine.

Các môn thể thao dưới nước sẽ chiếm phần lớn số lượng huy chương với 49 nội dung, tiếp theo là điền kinh với 48 nội dung.

Có tổng cộng 10.500 vận động viên tham dự Olympic Paris 2024, bao gồm 5.250 nam và 5.250 nữ, đạt tỷ lệ cân bằng hoàn hảo.

Breaking dance sẽ lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình thi đấu của Olympic, với các phần thi dành cho cả nam và nữ.

Breaking dance lần đầu được đưa vào thi đấu tại Thế vận hội
Breaking dance lần đầu được đưa vào thi đấu tại Thế vận hội

Olympic Paris 2024 sẽ thu hút khoảng 45.000 tình nguyện viên cùng tham gia tổ chức và hỗ trợ sự kiện.

Tổng cộng có 35 địa điểm sẽ tổ chức các môn thể thao Olympic, trong đó có 14 địa điểm nằm trong bán kính 10km từ Làng VĐV.

Vận động viên lớn tuổi nhất tham dự kỳ Olympic này là bà Mary Hanna, 69 tuổi 7 tháng, là thành viên dự phòng của đội tuyển đua ngựa Australia. Tuy nhiên, bà Hanna chưa phải là VĐV lớn tuổi nhất trong lịch sử Olympic. Kỷ lục này thuộc về John Copley của Vương quốc Anh, người đã tham dự Olympic 1948 khi đã 73 tuổi.

Vận động viên trẻ tuổi nhất tại Olympic Paris 2024 là Zheng Haohao, môn trượt ván, chỉ mới 12 tuổi. Cô bé vừa hoàn thành chương trình tiểu học và đã sẵn sàng cho thử thách lớn nhất trong sự nghiệp thể thao non trẻ của mình.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *