Tám đội tuyển này bao gồm Qatar, Indonesia từ bảng A, Hàn Quốc, Nhật Bản từ bảng B, Iraq, Saudi Arabia từ bảng C và cuối cùng là Việt Nam, Uzbekistan từ bảng D. Ngoại trừ Indonesia, bảy đội còn lại đều từng một lần lọt vào bán kết.
Trong đó, các đội tuyển từng lên ngôi vô địch bao gồm U23 Iraq (năm 2013), Nhật Bản (2016), Uzbekistan (2018), Hàn Quốc (2020) và Saudi Arabia (2022).
Đáng tiếc, U23 Thái Lan – dù có màn ra mắt ấn tượng khi thắng U23 Iraq 2-0 – đã bị loại sau thất bại 0-1 trước U23 Tajikistan hôm 22/4. Trận thua này khiến cho Đông Nam Á không thể có ba đại diện vào tứ kết. Trước đó, hai đội tuyển đầu tiên của khu vực này đã lọt vào tứ kết vào năm 2018 là U23 Malaysia và U23 Việt Nam.
U23 Hàn Quốc là đội duy nhất giành chiến thắng trong tất cả các trận đấu vòng bảng mà không để lọt lưới lần nào ở giải năm nay. U23 Uzbekistan hoặc U23 Việt Nam có thể là đội tiếp theo toàn thắng vòng bảng ở lượt trận đêm 23/4, trong đó Uzbekistan đứng trước cơ hội trở thành đội thứ hai không để lọt lưới sau vòng bảng.
U23 Hàn Quốc cũng là đội đã vào vòng knock-out ở tất cả sáu vòng chung kết U23 châu Á. Đứng sau là Nhật Bản và Iraq (cùng 5 lần), Saudi Arabia, Uzbekistan (4), Qatar, Việt Nam (3) và Indonesia (1).
Tại tứ kết, U23 Qatar sẽ đối đầu với Nhật Bản, còn U23 Hàn Quốc sẽ gặp Indonesia, diễn ra vào ngày 25/4. Chủ nhà Qatar dù không được đánh giá cao về chuyên môn nhưng có lợi thế của sân nhà và sự ủng hộ của CĐV.
Trận đấu giữa U23 Hàn Quốc và U23 Indonesia hứa hẹn sẽ là màn so tài nảy lửa giữa hai HLV đồng hương và cũng là bạn thân, Hwang Sun-hong và Shin Tae-yong.
Kết quả trận đấu giữa U23 Uzbekistan và U23 Việt Nam tối nay 23/4 sẽ quyết định hai cặp đấu còn lại. Nếu U23 Uzbekistan dẫn đầu bảng D, họ sẽ gặp Saudi Arabia, còn Việt Nam đối đầu Iraq.
Vòng chung kết U23 châu Á năm nay cũng là vòng loại Olympic Paris 2024, với ba vé chính thức thuộc về đội vô địch, á quân và thứ ba. Đội đứng thứ tư sẽ đá trận play-off với đại diện châu Phi là U23 Guinea.
Leave a Reply