Arsenal
The Gunners vẫn đang miệt mài tìm kiếm danh hiệu Premier League đầu tiên kể từ mùa giải 2003/04. Nguồn cảm hứng cho bộ trang phục trong mùa giải này vẫn nhấn mạnh vào biểu tượng cốt lõi của câu lạc bộ, khẩu pháo.
Trong khi đó Arsenal đã hợp tác với cả Adidas và thương hiệu Labrum London để mang đến chiếc áo đấu sân khách với niềm cảm hứng từ văn hóa và phong cách được những người di cư Caribe và Châu Phi mang đến Anh vào những năm 1970. Chiếc áo đấu này tôn vinh mối liên hệ của câu lạc bộ với các cầu thủ và người hâm mộ châu Phi bằng cách áp dụng các thiết kế và màu sắc truyền thống của lục địa này.
The Gunners đã chọn một tông màu hoa cà và xanh nhạt rực rỡ, cùng điểm nhấn màu xanh hải quân trên cổ áo và tay áo. Đây là thiết kế mà chúng ta chưa từng thấy ở Arsenal trước đây và chắc chắn là một thiết kế độc nhất vô nhị.
Trong khi đó bộ trang phục thứ ba của Arsenal toát lên sự độc đáo và lấy cảm hứng từ nền văn hóa sôi động của câu lạc bộ Bắc London
Aston Villa
The Lions đã cho ra mắt bộ trang phục mới của họ với Adidas, đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ đối tác đặc biệt từ mùa giải 24/25. Bộ trang phục này ra mắt nhằm kỷ niệm 150 năm thành lập câu lạc bộ. Nên mẫu thiết kế sẽ hướng đến sự kết hợp giữa mới và cũ.
Cổ áo dệt kim phẳng và các sọc hẹp phản ánh thiết kế áo đấu năm 1874. Mẫu áo sân nhà cũng đi theo xu hướng trang phục Premier League năm nay là kiểu dáng tối giản. Vì thế Adidas và Aston Villa nhất trí tung ra mẫu trang phục sân khách màu trắng, cổ áo tạo điểm nhấn bằng các viền màu đỏ tía và xanh lam mang tính biểu tượng.
Chelsea
Đội bóng đầu tiên nhận phản ứng dữ dội vì thiết kế trang phục mới của họ trong mùa giải 24/25 xin được gọi tên Chelsea. Bộ áo đấu sân nhà của The Blues đặc biệt “xấu lạ” và có sức gây chia rẽ cực lớn trong nội bộ người hâm mộ. Mẫu áo trống trơn, không in tên nhà tài trợ ở mặt trước khiến chiếc áo trông cứ như vết dầu loang lổ, gây khó chịu cho CĐV.
The Blues chọn gam màu xanh lam rực rỡ, được cho là đại diện cho ‘phần nóng nhất của ngọn lửa’ và ‘niềm đam mê cháy bỏng để đoàn kết toàn bộ câu lạc bộ đằng sau tham vọng chung là thành công trong và ngoài sân cỏ’.
Chelsea tiếp tục chủ đề ngọn lửa của họ trong cả trang phục sân khách và trang phục thứ ba của câu lạc bộ. Áo đấu sân khách có màu trắng đục với điểm nhấn màu cam trên huy hiệu, tay áo và logo Nike tượng trưng cho ngọn lửa và niềm đam mê.
Chelsea đã phá cách với thiết kế trang phục thứ ba của họ trong mùa giải này, một chiếc áo đấu màu đen và hồng lấy cảm hứng từ phong cách punk rock ‘tôn vinh sự bùng nổ và sáng tạo mới mẻ đã làm rung chuyển phía tây London lẫn thế giới cách đây hơn năm thập kỷ’.
Bournemouth
Bournemouth đưa biểu tượng sọc vàng từng xuất hiện trong mùa giải 2014/15 quay trở lại mùa giải năm nay, nhằm vinh danh chiến tích mùa giải huyền thoại của họ khi giành được số điểm kỷ lục ở năm đó – 90 điểm, ghi được 98 bàn thắng, vô địch giải hạng nhất Anh và lần đầu giành quyền lên chơi EPL.
Về chiếc áo đấu sân khách, Bournemouth chọn quay trở lại những năm 90, với những đường kẻ màu xanh lá cây và tím rực rỡ trên nền trắng. Mẫu áo này sẽ được các cầu thủ Bournemouth mặc trong những ngày thi đấu xa nhà của Cherries trong mùa giải Premier League sắp tới.
Đối với bộ đồ thứ ba của mình, Cherries đã chọn trang phục màu xanh lam, cụ thể hơn là màu xanh lam đầm phá và màu xanh lam thợ lặn. Chiếc áo đấu được lấy cảm hứng từ những bờ biển xanh mướt ở thị trấn nghỉ mát nổi tiếng Bournemouth.
Brentford
Bầy Ong đã công bố bộ trang phục sân nhà cho mùa giải 2024/25 từ năm ngoái. Bởi vì một bộ trang phục sân nhà sẽ mặc cho cả hai mùa giải. Lý giải cho điều này bởi CLB muốn người hâm mộ có thể mặc áo đấu thoải mái hơn cũng như hướng tới bảo vệ môi trường.
Lần đầu tiên trong lịch sử câu lạc bộ sử dụng thiết kế màu hồng nhạt cho bộ trang phục sân khách có nút cài.
Bộ trang phục thứ ba thì có phong cách hoàn toàn trái ngược với màu xanh lục đậm u ám hơn. Nguồn cảm hứng cho bộ trang phục thay thế được lấy từ kiến trúc của Sân vận động cộng đồng Gtech.
Brighton
Brighton đã hợp tác với Nike để hồi sinh một mẫu áo đấu sân nhà được người hâm mộ yêu thích nhất của họ – mẫu thiết kế mùa 2020/21. Áo đấu được thiết kế với phần đế màu trắng, có năm sọc xanh chạy dọc ngực. Câu lạc bộ quyết định sử dụng tông màu xanh nhạt hơn, mang phong cách biển cho các sọc nhỏ để mô phỏng mẫu áo đấu được phát hành cách đây bốn năm.
Crystal Palace
Crystal Palace công bố bộ trang phục sân nhà mới cho mùa giải 2024/25 với sự trở lại của sọc đỏ và xanh đặc trưng của câu lạc bộ. Chiếc áo đấu này cũng là một sự tri ân đặc biệt, kỉ niệm 100 năm kể từ ngày sân Selhurst Park mở cửa.
The Eagles lựa chọn trang phục màu vàng quen thuộc cho bộ sân khách. Tuy nhiên, Macron đã sáng tạo lại phối màu bằng cách đơn giản hóa biểu tượng, chỉ có hình đại bàng thay vì là logo.
Đối với bộ trang phục thứ ba của Crystal Palace, Macron không làm bất cứ điều gì quá táo bạo, chỉ có một sọc đỏ và xanh duy nhất trên nền vải đen, có họa tiết đại bàng phai màu mà mắt thường có thể không nhìn thấy.
Everton
The Toffees là câu lạc bộ mới nhất công bố trang phục sân nhà cho chiến dịch 2024/25. Chiếc áo đấu được thiết kế để tôn vinh ‘bản gốc’ khi đoàn quân của Sean Dyche chuẩn bị chơi mùa giải cuối cùng của họ tại sân Goodison Park. Vì thế chiếc áo đấu có hình ảnh trừu tượng về huy hiệu chính thức đầu tiên của Everton có từ năm 1920.
The Toffees đã phá cách trong thiết kế trang phục sân khách của mình khi sử dụng tông màu tối đậm lấy cảm hứng từ những đêm thi đấu dưới ánh đèn tại Goodison. Chiếc áo đấu trở nên sống động với họa tiết hình học, đi kèm với cổ áo và viền tất màu vàng tươi cũng như biểu tượng Tháp Prince Rupert màu vàng bắt mắt mới thay cho huy hiệu câu lạc bộ quen thuộc.
Everton đã sử dụng bảng màu trung tính cùng thiết kế có nét tương đồng với kiểu dáng áo bóng chày cổ điển cho bộ trang phục thứ ba của họ trong mùa giải này. Dễ hiểu, bởi bộ trang phục này lấy cảm hứng từ kỷ niệm 100 năm trận đấu bóng chày giao hữu giữa Chicago White Sox và New York Giants diễn ra tại Goodison Park của Everton.
Fulham
Được sản xuất bởi Adidas, bộ quần áo sân nhà mới của Fulham mang hơi hướng cổ điển, có một làn sóng màu đỏ rực rỡ ở bên hông áo đấu để thêm một chút màu sắc cho bộ quần áo cổ điển đen trắng cùng cổ áo polo làm điểm nhấn.
Fulham đã tiết lộ bộ quần áo sân khách 2024-25 của họ theo tông màu truyền thống của câu lạc bộ trong quá khứ. Thiết kế các sọc đen và đỏ liên tưởng trực tiếp đến các màu sắc được tìm thấy trên huy hiệu của câu lạc bộ.
Bộ trang phục thứ ba thì táo bạo hơn khi Adidas trang bị cho họ một dải toàn màu tím từ đầu đến chân.
Liverpool
Nike muốn người hâm mộ cảm thấy hoài niệm khi họ đưa ra ý tưởng về trang phục sân nhà mới của Liverpool cho mùa giải 2024/25. Đây cũng là mùa giải cuối cùng đội bóng vùng Merseyside hợp tác cùng Nike. Để tôn vinh mối quan hệ đối tác đáng nhớ này, Nike đã tung ra thiết kế đặc biệt cho Liverpool, khéo léo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phản ánh di sản đồ sộ của một trong những câu lạc bộ lớn nhất bóng đá Anh quốc.
Lấy cảm hứng từ trang phục năm 1984 – mùa giải The Kop được dẫn dắt bởi Joe Fagan đã nâng cao chiếc Cúp châu Âu tại Rome. Mẫu áo đấu mới nổi bật với thiết kế đỏ sọc, nhưng các đường sọc này này có chủ đích hơn khi thể hiện câu nổi tiếng YNWA – “You’ll Never Walk Alone”.
Quần thi đấu đồng bộ với áo đấu, tạo nên một bộ trang phục hoàn chỉnh và đẹp mắt. Cũng phải kể đến con số 97 cùng biểu tượng ngọn đuốc ở mặt sau cổ áo, tưởng nhớ đến các nạn nhân của thảm kịch Hillsborough.
Người hâm mộ đã có một cái nhìn thoáng qua về bộ đồ sân khách của Liverpool, khi Dominick Szoboszlai mặc trong chuyến du đấu trước mùa giải của họ tại Mỹ. Bộ đồ sử dụng tông màu xanh lá cây nhưng tối màu hơn nhiều so với trước đây.
Bộ đồ thứ ba có màu trắng sang trọng, được Liverpool được phát hành như một phần của chiến dịch ‘Together We Rise’ của Nike, nhằm tôn vinh vai trò của phụ nữ và sự trỗi dậy của phái nữ trong thế giới thể thao.
Đón xem các mẫu trang phục thi đấu chính thức tại EPL mùa 24/25 từ 10 đội còn lại trong số tiếp theo được đăng tại Cafe Thể Thao.
Leave a Reply